1. Cuộc tình to, đám cưới nhỏ thôi
Trong phần thi ứng xử của các thí sinh Táo Xanh iKON (cuộc thi chọn gương mặt đại diện của Táo Xanh), BGK đã đặt ra câu hỏi sau:
“Nếu đám cưới đồng tính được hợp pháp hóa vào năm sau, em sẽ kết hôn với người yêu chứ?"
Thí sinh đã trả lời rất tự tin: Em sẽ kết hôn với người yêu vì người đồng tính xứng đáng được hạnh phúc. Em không muốn thấy sự dèm pha của những người kì thị nên em sẽ tổ chức đám cưới không quá lớn. Chỉ cần đám cưới nhỏ có đầy đủ người thân và gia đình là được.
Suy nghĩ này gợi nhớ đến những đám cưới đồng tính công khai gần đây đã bị người dân tố cáo và chính quyền xử phạt. Đám cưới đồng tính cho dù có được sự chấp thuận về mặt pháp lý cũng sẽ vấp phải sự phản đối từ những người có tư tưởng bảo thủ. Có lẽ sẽ phải mất một thời gian dài nữa thì người đồng tính mới có thể thoải mái làm đám cưới công khai mà không sợ cái nhìn dè bỉu, soi mói của những người có quan điểm kì thị.
2. Em không bình thường?
Một câu hỏi thú vị khác được đặt ra trong phần thi ứng xử:
“Giả sử em đã kết hôn. Sau đó đang đi trên đường thì có người lại hỏi em: Sao mày kết hôn đồng giới, như vậy là đi ngược với tự nhiên. Em sẽ trả lời người đó ra sao?”
Thí sinh trả lời: Em sẽ nói rằng đồng tính không phải là ngược với tự nhiên. Người đồng tính cũng có quyền kết hôn như mọi người bình thường khác.
Giám khảo lập tức bật lại: “Em dùng chữ “bình thường”, ý em là em không bình thường?”
Đến đây thí sinh lộ rõ vẻ lúng túng. Vậy thì, mục tiêu của phong trào đồng tính cuối cùng là tìm sự công bằng cho giới đồng tính nói chung hay chỉ riêng cho những người đồng tính có lối sống nền nếp, lý tưởng nhất?
Đoạn đối thoại giữa giám khảo và thí sinh đã nêu bật lên vấn đề nóng bỏng trong cộng đồng đồng tính liên quan đến khái niệm “bình thường”. Người đồng tính hay dùng câu “tôi bình thường” để đối đáp với sự kì thị, bởi câu nói này đưa các bạn ra khỏi vị trí bị cô lập, bị ruồng rẫy bởi những người dị tính. Tuy nhiên, nếu như định nghĩa “dị tính” là “bình thường” thì không lẽ đồng tính là bất bình thường? Nên định nghĩa khái niệm “bình thường” thế nào cho đúng với hoàn cảnh của người đồng tính?
Nếu “bình thường” nghĩa là không bậy bạ, không phóng túng thì vô tình câu nói “đồng tính cũng bình thường” đã lý tưởng hóa hiện thực đời sống người đồng tính nói chung. Thêm nữa, trong giới dị tính vẫn có những người “bất bình thường” nhưng họ vẫn được kết hôn đấy thôi. Vậy thì, mục tiêu của phong trào đồng tính cuối cùng là tìm sự công bằng cho giới đồng tính nói chung hay chỉ riêng cho những người đồng tính có lối sống nền nếp, lý tưởng nhất? Đó là một câu hỏi lớn mà những người đi đầu phong trào đấu tranh cho quyền lợi của người đồng tính Việt Nam cần lưu tâm. Tại Mỹ, chữ “bình thường” bị xem nhẹ, vì người đồng tính Mỹ chủ trương tìm sự công bằng cho cả những con người khác biệt, chứ không đấu tranh giành công bằng bằng cách hòa nhập vào cái “bình thường”.
3. Sao em phải kết hôn?
Thêm một câu hỏi hóc búa của ban giám khảo được đưa ra:
“Tại sao em phải kết hôn, sao em không sống chung với người yêu thôi, cũng được vậy?”
Người đồng tính về bản chất ít bị ràng buộc hơn người dị tính trong các cuộc hôn nhân, vì vấn đề con cái. Do đó, việc sống chung mà không kết hôn cũng không phải là lựa chọn sai lầm, nhất là trong khi các vấn đề pháp lý và thủ tục nhận con nuôi vẫn chưa được giải quyết. Tuy nhiên, có sự bất công ở đây. Hôn nhân dị tính được pháp luật bảo vệ, được hưởng các chính sách hỗ trợ gia đình mà hôn nhân đồng giới hiện thời vẫn còn phải mơ đến. Việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính sẽ có tác dụng tích cực đến sự bền lâu của các mối quan hệ đồng tính. Nếu chỉ yêu và sống chung thì thì e rằng chưa đủ. Người ta nói giá trị của hôn nhân chỉ gói gọn trong tờ hôn thú, nhưng tờ giấy đó lắm lúc cũng giúp các cặp đôi vượt qua sóng gió trong tình cảm để giữ vững mối quan hệ. Do đó, hôn nhân hợp pháp giúp ích rất nhiều cho những người thực sự yêu và muốn xây dựng quan hệ lâu dài với bạn đời.
Trich thebox