Khi họ lên tiếng
Cách đây không lâu khán giả theo dõi chương trình Việt Nam Idol đã rất bất ngờ khi thí sinh Hương Giang, người gây ấn tượng từ vòng sơ loại với vẻ ngoài quyến rũ cùng giọng hát vô cùng nữ tính, là một người chuyển giới. Các vị giám khảo đã bị chinh phục bởi nghị lực của cô. Giám khảo Quốc Trung nhận xét: “Em đã dám làm những điều mạnh mẽ hơn cho sự chọn lựa của mình”.
Cô chia sẻ với báo chí: “Vietnam Idol là một chương trình có tầm phủ sóng rất lớn, nên dù tôi không muốn công khai thì cũng rất khó. Khi quyết định đi thi, tôi đã chấp nhận đối mặt với mọi chuyện”. Sau đó, Hương Giang vẫn nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Trong vòng tuyển chọn Top 10 thí sinh Việt Nam Idol tối 28/9, cô là một trong hai người đi tiếp bằng những tin nhắn bình chọn từ phía khán giả. Đây chắc chắn sẽ là động lực để cô đi tiếp trên con đường nghệ thuật trước mắt.
Một trường hợp khác được báo chí nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây là Phạm Văn Hiệp, người chuyển giới đầu tiên ở Việt Nam được chính quyền công nhận giới tính mới. Giờ đây mang cái tên đầy nữ tính Phạm Lê Quỳnh Trâm, cô tâm sự: ngày cầm tấm giấy quyết định trong tay, Trâm khóc như một đứa trẻ bởi nghĩ rằng “từ đây mình mới sống thật là mình”.
Dù ở Việt Nam chưa công nhận hôn nhân đồng giới nhưng khá nhiều hôn lễ mà cô dâu chú rể cùng là nam hoặc cùng là nữ đã gây được sự quan tâm của công chúng, như đám cưới của cặp đồng tính nữ là sinh viên ĐH Quốc tế Raffles – Hà Nội; đám cưới đồng tính nữ ở Cà Mau; đám cưới đồng tính nam ở Hà Tiên… Họ bất chấp cái nhìn thiếu thiện chí của những người xung quanh để sống thật với chính mình, để được tự do nói lên tiếng nói của người đồng tính.
Không ai sinh ra là hoàn hảo. Những người mang giới tính khác thường luôn phải đối mặt với rào cản tâm lý ngay từ khi họ mơ hồ cảm nhận được con người thật của mình. Nhiều người vì không chịu nổi sức ép từ gia đình, bạn bè mà nảy sinh những ý nghĩ dại dột. Định kiến, suy nghĩ khuôn mẫu, sự chối bỏ của chính những người thân thiết nhất đã khiến họ cảm thấy yếu đuối và tuyệt vọng. Tiếng nói như trên chưa nhiều, chỉ là tiếng ca lạc điệu, nhưng họ dám nghĩ, dám nói, dám làm. Điều họ đang cần chính là sự hưởng ứng của cộng đồng.
Khi xã hội lên tiếng
Trong một cuộc thăm dò ý kiến “bạn nghĩ gì về hôn nhân đồng tính?” trên VnExpress.net vào cuối tháng 6 với hơn 3.000 độc giả tham gia, có gần 80% (gần 2.400 phiếu) cho rằng nên ủng hộ. Điều này phần nào cho thấy cái nhìn thoáng hơn của xã hội về quan hệ giữa những người đồng giới.
Ngày 23/9 vừa qua đã diễn ra sự kiện nhảy tập thể Yêu là Yêu Flashmob của cộng đồng LGBT Việt Nam tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh nhằm ủng hộ cho những người đồng tính, song tính và chuyển giới cũng như ủng hộ cho hôn nhân đồng tính. Giới trẻ đang thể hiện sự quan tâm theo cách của riêng mình và khẳng định rằng những người có giới tính khác không hề lạc lõng.
Đến nay đã có 23 nước công nhận quyền của người đồng tính, 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, 44 nước khác thừa nhận quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính. Trong buổi đối thoại trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Chính Phủ về việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã đưa ra thông tin này và kêu gọi xã hội không nên có định kiến với người đồng tính. Ông cũng đồng tình việc pháp luật nên sớm có những chính sách bảo vệ cho người đồng tính, song tính và chuyển giới.
Dù cái nhìn đã thoáng hơn nhưng định kiến xã hôi, truyền thống văn hóa, tập quán sinh hoạt…đã ăn sâu vào cuộc sống của người Việt Nam. Liệu người mang giới tính khác thường có được chấp nhận hoàn toàn? Có lẽ cần thời gian để trả lời.